Gaudete Et Exsultate (VN 5)

 Tông Huấn Gaudete Et Exsultate Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay

  Ch1  Ch2  Ch3  Ch4  Ch5  Chú Thích

 

CHƯƠNG 5: CUỘC CHIẾN, CẢNH GIÁC VÀ PHÂN ĐỊNH

158. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. Chúng ta cần sức mạnh và lòng can đảm để chống lại những cám dỗ của ma quỷ và loan báo Tin Mừng. Trận chiến này là trận chiến ngọt ngào, vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi khi Chúa chiến thắng trong cuộc đời của chúng ta.

CUỘC CHIẾN VÀ CẢNH GIÁC

159. Chúng ta không chỉ đơn thuần đương đầu với một cuộc chiến chống lại thế gian và não trạng thế gian là điều có thể lừa dối chúng ta và làm cho chúng ta ra đần độn và tầm thường, thiếu nhiệt tình và niềm vui. Cuộc chiến này cũng không thể thu hẹp lại thành một cuộc vật lộn với những sự yếu đuối và các xu hướng nhân loại chúng ta (là lười biếng, tham dục, ghanh tị, ghen tương hay bất kỳ điều gì khác). Nó cũng là một cuộc chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ, ông hoàng của sự dữ. Chính Chúa Giêsu mừng những chiến thắng của chúng ta. Người vui mừng khi các môn đệ của Người tiến bộ trong việc rao giảng Tin Mừng và thắng được sự chống đối của ác thần: “Thầy thấy Satan rơi xuống như sét từ trời” (Lc 10:18).

Còn hơn một huyền thoại

160. Chúng ta sẽ không công nhận có ma quỷ nếu chúng ta chỉ nhìn đời sống theo các tiêu chuẩn thực nghiệm mà không có một cảm thức siêu nhiên nào. Chính niềm tin rằng quyền lực độc ác này hiện diện ở giữa chúng ta cho phép chúng ta hiểu được làm sao mà sự dữ đôi khi có thể có quá nhiều sức tàn phá như thế. Đúng vậy, các tác giả Thánh Kinh có một hành trang khái niệm giới hạn để diễn tả một số thực tại nhất định, như trong thời Chúa Giêsu, người ta có thể lẫn lộn bệnh động kinh với việc quỷ ám chẳng hạn. Tuy nhiên, điều này không đưa chúng ta đến việc quá đơn giản hoá thực tại bằng cách nói rằng tất cả các trường hợp được tường thuật trong Tin Mừng đều liên quan đến các bệnh tâm thần, và do đó không có ma quỷ hoặc ma quỷ không hoạt động. Sự hiện diện của nó được tìm thấy ngay trong những trang đầu của Thánh Kinh, là sách kết thúc với chiến thắng của Thiên Chúa trên ma quỷ [120]. Quả thật, khi để lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn chúng ta kết thúc nó bằng cách xin Chúa Cha “cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Lời cuối cùng này không đề cập đến sự dữ trừu tượng; một cách dịch chính xác hơn phải là “thần dữ”. Nó ám chỉ một cá thể đang tấn công chúng ta. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta mỗi ngày cầu xin ơn giải cứu này để quyền năng của nó không làm chủ chúng ta.

161. Như thế, chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ như một huyền thoại, một biểu hiện, một biểu tượng, một hình ảnh hoặc một ý tưởng [121]. Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta đến lơ là việc đề phòng của mình, bất cẩn, và kết cuộc dễ bị làm mồi cho nó hơn. Ma quỷ không cần phải sở hữu (ám) chúng ta. Nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc của hận thù, buồn rầu, ghen tị và các tật xấu. Cũng thế, khi chúng ta lơ là việc đề phòng của mình, nó tận dụng điều ấy để huỷ hoại cuộc đời chúng ta, gia đình chúng ta và cộng đồng chúng ta. “Như sư tử gầm thét, nó đi loanh quanh đi tìm mồi để cắn xé” (1 Pr 5: 8).

Cảnh giác và tin cậy

162. Lời Chúa mời gọi chúng ta một cách rõ ràng, “hãy đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Eph 6:11) và “dập tắt tất cả các tên lửa của Ác Thần” (Eph 6:16). Đây không phải là những lời hoa mỹ, vì con đường dẫn đến sự thánh thiện của chúng ta là một trận chiến liên tục. Những ai không nhận ra điều này sẽ làm mồi ngon cho sự thất bại hoặc tầm thường. Với cuộc chiến này, chúng ta có thể dựa vào các vũ khí mạnh mẽ mà Chúa đã ban cho chúng ta: đức tin được thể hiện qua cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cử hành Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, Bí Tích Hòa Giải, các việc bác ái, đời sống cộng đồng, và tham gia việc truyền giáo. Nếu chúng ta bất cẩn, những lời hứa cuội của thần dữ sẽ dễ dàng quyến rũ chúng ta. Như thánh linh mục Brochero đã nói: “Có điều gì là tốt lành khi Lucifer hứa cho anh chị em tự do, và đổ đầy trên anh chị em tất cả những lợi ích, nếu những lợi ích ấy là giả dối và có chất độc?” [122].

163. Trong cuộc hành trình này, việc phát triển những sự tốt đẹp, việc trưởng thành trong đời sống tâm linh và lớn lên trong tình yêu là cách đối phó tốt nhất với sự dữ. Không ai chống lại được nó nếu chọn ở lại trong ngõ cụt, nếu hài lòng với một ít, hoặc ngừng mơ ước tận hiến một cách quảng đại hơn cho Chúa. Tệ hơn nữa, nếu họ có cảm giác thất bại, vì “ai bắt đầu mà không tự tin, thì đã thua một nửa trận chiến rổi, và chôn vùi tài năng của họ... Chiến thắng của Kitô hữu luôn luôn là một thập giá, nhưng một thập giá đồng thời cũng là biểu tượng của chiến thắng, được thực hiện với việc thận trọng chiên đấu chống lại những cuộc tấn công của sự dữ” [123].

Sự bại hoại tinh thần

164. Con đường nên thánh là nguồn bình an và yên vui, được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải tỉnh thức và giữ cho “đèn của mình được cháy sáng” (Lc 12:35). “Hãy tránh xa mọi hình thức xấu xa” (1 Tx 5:22). “Hãy tỉnh thức” (Mt 24:42; Mc 13:35). “Chúng ta đừng ngủ quên” (1 Tx 5:6). Những người nghĩ rằng họ không phạm tội trọng trái với Luật của Thiên Chúa có thể rơi vào tình trạng mê muội hoặc tê mê. Vì họ không thấy điều gì nghiêm trọng để tự trách mình, họ không nhận ra rằng tình trạng thờ ơ này của họ sẽ dần dần làm chủ đời sống thiêng liêng của họ và cuối cùng chính họ sẽ bị suy yếu và bại hoại.

165. Sự bại hoại tinh thần còn tồi tệ hơn việc sa ngã của một người tội lỗi, vì đó là một hình thức mù quáng trong thoải mái và tự mãn. Mọi sự đều có vẻ như có thể chấp nhận được: lừa dối, phỉ báng, ích kỷ và các hình thức tinh vi khác của việc quy ngã (chỉ biết đến mình), vì “ngay cả Satan cũng nguỵ trang là thiên sứ của sự sáng” (2 Cr 11:14). Sôlômôn đã kết thúc những ngày của ông như thế, trong khi kẻ phạm đại tội là Đavít biết cách thắng vượt tình trạng khốn nạn của mình. Trong một đoạn Thánh Kinh, Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta về cám dỗ quỷ quyệt này, là điều dễ dàng dẫn chúng ta đến hư đốn: Người nói về một kẻ được giải thoát khỏi quỷ ám, nghĩ rằng đời mình giờ đây đã được thanh sạch, cuối cùng bị ám bởi bảy quỷ khác (xem Lc 11:24-26). Một đoạn Thánh Kinh khác nói thẳng rằng: “Con chó quay trở lại ăn chính đồ nó mửa ra” (2 Pr 2:22; x. Cn 26:11).

SỰ PHÂN BIỆT

166. Làm sao để biết được là một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ? Cách duy nhất là qua sự phân biệt, là điều đòi hỏi không những một khả năng tốt để lý luận và biết lẽ thường, mà còn là một hồng ân cần phải được cầu xin. Nếu chúng ta tin tưởng cầu xin Chúa Thánh Thần ơn này, đồng thời tìm cách vun trồng nó bằng cầu nguyện, suy niệm, đọc sách và lời khuyên tốt, thì chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng tinh thần này.

Một nhu cầu khẩn cấp

167. Ngày nay khả năng phân biệt càng ngày càng trở nên cần thiết. Thực ra, cuộc sống hiện tại cung cấp cho chúng ta rất nhiều điều khả thi để làm và phân tâm, và tất cả chúng đều được thế giới trình bày như có giá trị và tốt. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đều chịu ảnh hưởng bởi một nền văn hóa bấm nút đổi đài liên tục. Chúng ta có thể đồng thời coi hai hoặc ba màn ảnh và tương tác trong những cảnh tượng ảo cùng một lúc. Nếu không có sự khôn ngoan của việc phân biệt, chúng ta có thể dễ dàng biến thành cái bung xung cho mọi xu hướng chóng qua.

168. Điều này đặc biệt quan trọng khi một sự mới mẻ xuất hiện trong đời sống của chúng ta. Và như thế, chúng ta phải phân biệt xem đó là rượu mới đến từ Thiên Chúa hoặc sự mới mẻ gian trá của tinh thần thế tục hay tinh thần của ma quỷ. Trong những lúc khác, điều ngược lại có thể xảy ra, bời vì các thế lực của sự dữ không cho chúng ta thay đổi, cứ để yên mọi sự như cũ, chọn án binh bất động hay cứng nhắc. Tuy nhiên, như thế chúng ta ngăn chặn hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được tự do, với sự tự do của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Người yêu cầu chúng ta kiểm tra những gì đang ở trong mình - các ước muốn, lo âu, sợ hãi và kỳ vọng của chúng ta - và những gì xảy ra chung quanh chúng ta - “các dấu chỉ của thời gian” - để nhận ra những con đường đưa đến tự do hoàn toàn. “Hãy xem xét mọi sự; hãy giữ lấy những gì là tốt” (1 Tx 5:21).

Luôn luôn trong ánh sáng của Chúa

169. Sự phân biệt cần thiết không chỉ vào những thời điểm bất thường, khi chúng ta cần giải quyết các vấn đề nghiêm trọng và đưa ra các quyết định quan trọng. Đó là một công cụ để chiến đấu giúp chúng ta theo Chúa một cách tốt hơn. Chúng ta luôn cần nó, để giúp mình nhận ra những thời điểm của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, để không lãng phí ơn linh ứng của Chúa và bỏ qua lời mời gọi lớn lên của Người. Thường thì điều này được thực hiện trong những việc nhỏ, trong những việc có vẻ tầm thường, vì sự vĩ đại được tỏ lộ trong những việc đơn giản hàng ngày [124]. Đó là làm việc vô hạn định cho những gì to lớn, cho những gì tốt hơn và đẹp hơn, đồng thời cũng chú ý đến những gì bé nhỏ, đến những bổn phận hôm nay. Vì thế, tôi yêu cầu tất cả các Kitô hữu đừng bỏ qua việc đàm đạo với Chúa là Đấng yêu thương chúng ta và việc xét mình một cách chân thành mỗi ngày. Đồng thời, sự phân biệt cũng dẫn chúng ta đến việc nhận ra những phương tiện cụ thể mà Chúa cung cấp sẵn trong kế hoạch mầu nhiệm và yêu thương của Người, để giúp chúng ta không ngừng lại chỉ ở những ý định tốt lành.

Một món quà siêu nhiên

170. Đúng là sự phân biệt thiêng liêng không loại trừ những đóng góp của các hiểu biết về con người, về sự hiện hữu, tâm lý, xã hội học hay luân lý. Nhưng nó vượt trên chúng. Cả các tiêu chuẩn vững chắc của Hội Thánh cũng chưa đủ. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng phân biệt là một ân sủng. Mặc dù nó bao gồm lý trí và sự cẩn trọng, nó vượt trên chúng, vì nó là vấn đề thoáng nhìn vào mầu nhiệm của kế hoạch độc đáo và không thể lập lại mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, và nó thực hiện giữa rất nhiều hoàn cảnh và giới hạn khác nhau. Nó không chỉ là một hạnh phúc tạm bợ, hay một sự hài lòng vì đã làm một điều gì hữu ích, hoặc ước muốn có một lương tâm thanh thản. Điều quan trọng là ý nghĩa cuộc đời tôi trước mặt Chúa Cha, là Đấng biết tôi và yêu thương tôi, ý nghĩa thực sự của cuộc đời tôi, mà không ai biết rõ hơn Ngài. Chung cuộc, sự phân biệt dẫn đến chính nguồn suối của cuộc sống bất diệt, nghĩa là, biết Đức Chúa Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa Thật, và Đấng mà Ngài đã sai đến, là Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17:3). Nó không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, cũng không chỉ dành cho những người thông minh hơn hoặc có trình độ học vấn cao, và Chúa Cha đã vui lòng tỏ mình ra cho những người bé nhỏ (x. Mt 11:25).

171. Mặc dù Chúa nói với chúng ta bằng rất nhiều cách khác nhau, trong công việc, qua người khác và ở mọi lúc, nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự im lặng của cầu nguyện lâu giờ để hiểu rõ hơn ngôn ngữ của Thiên Chúa, để giải thích ý nghĩa thực sự của những cảm hứng mà chúng ta nghĩ rằng mình đã nhận được, để làm cho những lo âu của mình lắng dịu và để tái lập toàn thể cuộc đời mình trong ánh sáng của Thiên Chúa. Bằng cách này, chúng ta có thể cho phép sự ra đời của một tổng hợp mới phát sinh từ một cuộc đời được Chúa Thánh Thần soi sáng.

Lạy Chúa, xin hãy phán

172. Tuy nhiên, có thể ngay cả trong chính lúc cầu nguyện, chúng ta tránh để cho mình đối diện với sự tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng hành động tuỳ theo ý Ngài. Chúng ta phải nhớ rằng sự phân biệt trong cầu nguyện đòi buộc chúng ta phải bắt đầu từ một lòng sẵn sàng lắng nghe: lắng nghe Chúa, lắng nghe người khác, và lắng nghe chính thực tại, là những gì luôn luôn thách đố chúng ta bằng những cách mới mẻ. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có tự do để từ bỏ những ý tưởng riêng của mình hoặc những ý tưởng chưa đầy đủ, những thói quen của mình, và những toan tính của mình. Bằng cách này, chúng ta sẵn sàng chấp nhận ơn gọi, là điều có thể phá vỡ sự an toàn của chúng ta, nhưng dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi vì mọi sự đều xuôi chảy, mọi sự đều an bình, thì chưa đủ. Thiên Chúa có thể cho chúng ta một điều gì đó tốt hơn nhiều, nhưng vì sự sao lãng biếng nhác của mình, chúng ta không nhận ra được điều ấy.

173. Đương nhiên là thái độ lắng nghe này đòi hỏi phải vâng theo Tin Mừng như là tiêu chuẩn tối hậu, nhưng còn phải vâng theo Huấn Quyền, là cơ cấu bảo vệ nó, trong lúc tìm kiếm trong kho báu của Hội Thánh bất cứ điều gì có hiệu quả nhất cho việc cứu rỗi “ngày nay”. Không phải là vấn đề áp dụng các công thức hoặc lặp lại quá khứ, bởi vì [sử dụng] cùng những giải pháp không phải là điều hợp lý trong mọi hoàn cảnh, và điều hữu ích trong một bối cảnh có thể không hữu ích trong một bối cảnh khác. Sự phân biệt các thần khí giải thoát chúng ta khỏi sự cứng nhắc, là điều không có chỗ đứng trước “ngày hôm nay” bất diệt của Chúa Phục Sinh. Chỉ có Thần Khí mới biết cách thấm nhập vào những gì mịt mờ và kín đáo nhất của thực tại và đếm tất cả mọi sắc thái của nó, để sự mới mẻ của Tin Mừng có thể nổi bật bằng một ánh sáng khác.

Luận Lý về quà tặng và về thập giá

174. Một điều kiện thiết yếu cho sự tiến bộ trong việc phân định là học biết về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và các thời điểm của Ngài, vốn không bao giờ là của chúng ta. Thiên Chúa không cho lửa xuống đốt những kẻ bất trung (xem Lc 9:54), hoặc cho phép những người nhiệt thành nhổ cỏ lùng mọc lên giữa lúa mì (x. Mt 13:29). Cũng cần có lòng quảng đại, vì “cho đi thì có phúc hơn là nhận lại” (Cv 20:35). Chúng ta không phân biệt để khám phá ra những gì chúng ta có thể rút ra được từ cuộc sống này, mà để nhận ra làm sao chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ vụ được ủy thác cho mình khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Điều này có nghĩa là phải sẵn sàng hy sinh, đến mức hy sinh hết mọi sự. Thực ra, hạnh phúc là một điều nghịch lý, và cho chúng ta những kinh nghiệm tốt nhất khi chúng ta chấp nhận luận lý nhiệm mầu này, không phải luận lý của thế gian. Như Thánh Bonaventura quả quyết khi nói về thập giá: “Đây là luận lý của chúng ta” [125]. Một khi chúng ta bước vào động năng này, chúng ta sẽ không để cho lương tâm của mình bị tê liệt và sẽ đại lượng mở rộng lòng ra để phân biệt.

175. Khi chúng ta tìm những con đường của đời sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, thì chúng ta không thể loại ra bất cứ lãnh vực nào. Trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống, chúng ta có thể tiếp tục phát triển và dâng lên Thiên Chúa một điều gì lớn hơn, ngay cả trong những khía cạnh mà chúng ta cảm thấy khó khăn nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xin Chúa Thánh Thần giải thoát mình và xua đuổi sợ hãi, là điều khiến chúng ta không cho Ngài đi vào một số lãnh vực nào đó của đời mình. Ngài là Đấng đòi hỏi chúng ta mọi sự, nhưng cũng ban cho chúng ta mọi sự, và Ngài không muốn vào trong chúng ta để làm cho chúng ta ra tàn tật hoặc bị yếu đi, nhưng để mang đến chúng ta sự sung mãn. Điều này cho chúng ta thấy rằng việc phân biệt không phải là một việc tự phân tích duy ngã, hoặc một hình thức nội quan (tự xét nôi tâm) quy ngã, nhưng là một tiến trình thật sự đi ra ngoài chính mình để tiến về mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng giúp chúng ta sống sứ vụ mà Ngài đã mời gọi chúng ta, vì lợi ích của anh chị em chúng ta.

* * *

176. Tôi cầu mong Đức Trinh Nữ Maria làm cho suy niệm này nên hoàn hảo, bởi vì Mẹ đã sống Các Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu một cách không ai sánh bằng. Mẹ là Đấng vui mừng trước mặt Thiên Chúa, là Đấng giữ mọi sự trong lòng, và là Đấng đã để cho lưỡi gươm đâm thâu lòng mình. Đức Mẹ Maria là một vị thánh trong số các thánh, có phúc hơn mọi thánh nhân. Mẹ chỉ cho chúng ta con đường nên thánh và luôn đồng hành với chúng ta. Mẹ không để cho chúng ta tiếp tục nằm dưới đất sau khi chúng ta sa ngã, và đôi khi Mẹ còn bế chúng ta lên trong vòng tay Mẹ mà không xét đoán chúng ta. Trò chuyện với Mẹ an ủi chúng ta, giải thoát chúng ta và và thánh hóa chúng ta. Mẹ không cần nhiều lời. Mẹ không cần chúng ta cho Mẹ biết điều gì đang xảy ra trong cuộc đời mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là thì thầm, lập đi lập lại: “Kính mừng Maria ...”

177. Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ có ich vì giúp cho toàn thể Hội Thánh một lần nữa hiến thân để phổ biến ước muốn nên thánh. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đổ trên chúng ta một khao khát nên thánh nhiệt thành vì vinh quang cao cả của Thiên Chúa, và chúng ta hãy giúp đỡ nhau trong nỗ lực này. Bằng cách này, chúng ta sẽ chia sẻ hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể lấy đi khỏi chúng ta được.

Ban hành tại Rôma, ở Đền Thánh Phêrô, vào ngày 19 tháng 3, Lễ trọng kính Thánh Giuse, năm 2018, là năm thứ sáu của triều đại của tôi.

Phanxicô

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

(Theo bản Anh ngữ cùng sửa lại theo các bản Ý ngữ và Pháp ngữ)

chú thích