Tiể̉u Sử Giáo Xứ Lavang ABQ
Mẹ Lavang Albuquerque
Giáo xứ không ranh giới
Trích từ “Mừng Kính 200 Năm Biến Cố Lavang” xuất bản ngày 09-05-99
Nói đến giáo xứ Đức Mẹ Lavang tại thành phố Albuquerque, người ta có thể tưởng tượng và hình dung ngay là một trong năm giáo xứ người Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ, với một số giáo dân rất khiêm nhường và nhỏ nhoi, nhìn vào con số bấy giờ chỉ vỏn vẹn trên dưới 30 gia đình không hơn không kém, kể cả các chàng độc thân cũng như các cô lẻ loi, số giáo dân sống rải rác trong vùng đất với một diện tích khoảng 121.598 sq. miles. Nhà thờ được xây cất trên mảnh đất rộng năm mẫu vuông, tại góc đường Gonzales và Coors, ngay trong khu vực trung tâm thành phố, và đây cũng là giáo xứ duy nhất của người Việt Nam tại tiểu bang New Mexico.
Nhìn về quá khứ
Vào khoảng 1975, khi những người Công Giáo Việt Nam tỵ nạn tha phương đến định cư và sinh sống tại tiểu bang New Mexico, lòng người Việt xa quê hương bấy giờ thật chua xót và ngỡ ngàng, nhìn quanh chỉ thấy những xa lạ của một xã hội mới, với những khuôn mặt mới, và những tiếng nói mới. Họ nghĩ rằng với sự bất đồng ngôn ngữ, việc sống đạo và giữ đạo thật là khó khăn trên vùng đất lạ, họ khao khát được tham dự thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ một cách trọn vẹn và sốt sắng như những năm tháng còn tại quê nhà, một phần cũng muống tìm lại chút ấm áp của người đồng hương để sưởi ấm cho tâm hồn đang trống lạnh. Do đó người Việt Công giáo đã thì thầm bảo nhau và tụ họp lại trong mỗi thánh lễ chủ nhật tại nguyện đường Đức M Hằng Cứu Giúp trên đường Bell và Espanola SE. Nay thường được gọi là ngã tư quốc tế của người Việt tại thành phố Albuquerque.
Thời gian sau, vào năm 1976 một số gia đình công giáo từ những vùng lân cận khu Chama và Alcaza cũng đã tìm tòi đến nhà thờ Assumption tham dự thánh lễ và làm quen với linh chánh xứ Cha John Rebold. Từ đó người công giáo Việt tuôn đến mỗi ngày một đông hơn. Cha John rất vui mừng “Welcome và Accept” đoàn con tha phương một cách chân tình, cởi mở và triều mến, và rồi người đã dành riêng cho dân Việt một thánh lễ được cử hành vào lúc 4 giờ chiều mỗi ngày Chúa Nhật do cha chủ tế. Lúc này mọi người nhận thức được rằng việc thờ phượng Thiên Chúa bằng chính ngôn ngữ của mình là một nhu cầu cần thiết, cho chính mình cũng như cho con cái và thế hệ trong truyền thống văn hóa và dân tộc. Do đó, cộng đoàn đã bắt đầu tổ chức có quy củ, thánh lễ cử hành bằng hai thứ tiếng Anh, Việt được một người dịch lại. Giai đoạn này của cộng đoàn có thể ví với tuổi hoa niên của đời người.
Cuối năm 1980, Cha John mãn nhiệm kỳ chánh xứ Assumption, được bổ nhiệm đến coi một giáo xứ nhỏ tại Santa Fe, cách xa cộng đoàn khoảng 120 miles, từ đó cộng đoàn người Việt lại di chuyển đến nhà thờ Our Lady of Fatima; Cha John cũng vẫn đến đây hằng tuần mỗi Chúa Nhật để dân thánh lễ riêng cho cộng đoàn người Việt.
Đến năm 1984, cộng đoàn lại kéo đến một nguyện đường Knights of Columbus trên đường San Mateo, thời gian sinh hoạt tại đây kéo dài khoảng sáu tháng. Đoàn thanh niên Công Giáo hoạt động rất hăng say và phấn khởi. Nhưng tiếc rằng tuổi thọ của đoàn không dài hơn những chuỗi ngày tại đây. Chính những ngày này, vào Chúa Nhật đầu tháng 7, 1984, ủy ban xây dựng Thánh đường đã ra mắt cộng đoàn, để chính thức phối hợp nhân, vật, lực, cho việc thành hình một ngôi nhà thờ riêng của người Việt.
Vào tháng 12, 1984, dịp lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Đức Tổng Giám Mục địa phận Santa Fe đã chính thức ký văn kiện thành lập giáo xứ cho cộng đoàn với danh hiệu là Giáo Xứ Đức Mẹ Lavang (Our Lady of Lavang) và bổ nhiệm cha John Rebold làm chánh xứ do quyết định đề ngày 8, tháng 12, 1984, của Tòa Tổng Giám Mục.
Năm 1985, trong khi ủy ban xây dựng Thánh đường bắt đầu chiến dịch gây quỹ. Cộng đoàn phải đến lưu trú tại Saint Pius Cafeteria hiện là câu lạc bộ Trường đại học của địa phận trên đường Louisiana. Tại đây, mọi người cùng với giáo xứ chuyển mình sống mạnh với công cuộc xây nhà Chúa; cũng thời gian này Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Đạo binh xanh ra đời.
Vào cuối tháng 2, 1987, Cha John Rebold lại được bổ nhiệm chức vụ chánh xứ Saint Francis Xavier trên đường Broadway. Một lần nữa con dân phải di chuyển theo cha John tới nhà thờ lạ, chờ ngày hoàn thành ngôi thánh đường mới do chính mình tạo dựng. Thời gian này chương trình xây dựng Thánh đường đã được vận dụng tới mức tối đa, về hai phương diện, tài chánh và nhân sự, song song với chiến dịch kêu gọi và gõ cửa trong cũng như ngoài tiểu bang, hầu mang về kết quả đang được chờ đợi, để tiếp tục và hoàn tất công việc xây cất.
Đến ngày 4 tháng 7, 1987, Đức Tổng Giám Mục địa phận Santa Fe đã long trọng cung hiến Thánh đường Đức Mẹ Lavang, và cắt băng khánh thành mừng lễ tạ ơn vào ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, chấm dứt cuộc du mục lang thang của dân Việt trên xứ lạ, bắt đầu một đời mới của giáo xứ. Từ đó, với sự bành trướng và phát triển của giáo xứ, số giáo dân từ 30 gia đình đã tăng lên trên 200 gia đình, trong số có rất nhiều tân tòng đã trở lại đạo, tính theo tỷ lệ đó là một con số rất lớn so với thời gian. Do đó, Cha John cũng rất bận rộn về các lễ nghi phụng vụ cũng như công việc hành chánh hằng ngày của hai xứ đạo. Dầu thế, người đã không lấy làm vất vả và mệt, lại còn hăng say với công việc hiện tại nhiều hơn, đặc biệt cho đoàn con Việt. Nhưng mối trở ngại chính giữa cha con là ngôn ngữ, nhất là các ông bà đã có tuổi muốn được tâm sự với người, nhưng không biết nói gì hơn bằng những tiếng bập bẹ và cử chỉ ra dấu. Cảm kích trước sự lo âu và nỗi lòng của các ông bà và đoàn con, Cha John đã đệ trình thỉnh nguyện thơ lên Tòa Tổng Giám Mục, xin bổ nhiệm cha Giuse Bùi Đức Phổ làm phó xứ Đức Mẹ Lavang, phụ giúp và thay thế cha khi đau yếu về chiều.
Đến đây xin được viết vài dòng về Cha Giuse Bùi Đức Phổ.
Cha về New Mexico vào mùa hè 1988, qua sự bảo trợ của Cha cố John Rebold cựu chánh xứ Đức Mẹ Lavang.
Cha thụ phong linh mục vào năm khói lửa 1975, sau đó được bổ nhiệm làm phó xứ Năng Gù, thuộc địa phận Long Xuyên. Trong thời gian nay, cha đã bị bắt đi học cải tạo…. Được trả tự do, cha về làm phó xứ Tân Chu. Cuối năm 1976 được bổ nhiệm làm Cha xứ họ đạo Thức Hóa. Thời gian này, cha luôn bị quản thúc, và tình trạng mỗi ngày trở nên căng thẳng hơn. Sau cùng cha đã quyết định rời bỏ Việt Nam. Cha sang Thái Lan và rồi được chuyển tiếp đến Phi Luật Tân. Tại những nơi này, cha đã bắt đầu cuộc sống mới bằng những công việc bác ái giúp người tỵ nạn trên đảo; đến ngày phải ra đi cha đã chọn Hòa Kỳ làm quê hương thứ hai, tiếp tục cho sứ mạng truyền giáo.
Cha đến Hoa Kỳ, bắt đầu cuộc sống mới tại Houston, Texas được sáu tháng, sau đó cha chuyển về Virginia một năm, và cuối cùng cha đã về New Mexico.
Cha đến New Mexico rất âm thầm và lặng lẽ, không mấy người biết đến. Kẻ viết này được gặp người lần đầu qua sự giới thiệu của ông cựu cố vấn Nguyễn Văn Gương. Thoáng qua tôi không thể nhận dạng và tưởng tượng người là linh mục, nếu ông cựu cố vấn Gương không cho biết.
Nhìn cha, tôi thấy người vẫn còn mang nặng dáng vóc thư sinh, còn rất trẻ, đầy nghị lực và có nhiều triển vọng trong tương lai. Qua câu truyện xã giao tôi mới nhận ra, quả thật cha là hiện thân của một bản chất cương trực và nghiêm nghị, đứng đắn và ngay thẳng. Thêm một thời gian nữa, tôi mới biết cha rất kiên nhẫn và chịu đựng, dễ hòa mình với mọi lớp người, bên trong là cả một tâm hồn bác ai và đầy lòng vị tha.
Trong suốt thời gian sống trong xứ đạo Lavang với cha John, mặc dầu chưa được sự bổ nhiệm chính thức, nhưng cha đã làm việc như một cha phó. Song song với công việc xứ đạo, cha đã miệt mài tiếp tục công việc bác ái giúp những người đồng hương vừa bước chân đến Albuquerque. Và cứ như thế mỗi lần được nghe có người tỵ nạn đến, không phân biệt tôn giáo, cha đã cổ võ một số giáo dân cùng cha đích thân ra phi trường đón tiếp đưa tận về nhà, cùng với những lời thăm hỏi thân tình và chia xẻ niềm vui chung với mọi người.
Qua những sự việc cha làm, Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) đã được biết đến và ghi nhận; do đó, tháng 10, 1991, Đức Tổng Giám Mục địa phận Santa Fe đã chính thức ký quyết định bổ nhiệm Cha Giuse Bùi Đức Phổ làm phó xứ, giáo xứ Đức Mẹ Lavang, Albuquerque. Cũng thời gian này, con số tỵ nạn Việt Nam của các diện HO, ODP, vv lại kéo đến mỗi ngày một đông hơn. Cha Giuse Bùi Đức Phổ được ĐTGM nhấn mạnh đặc trách người tỵ nạn Việt Nam trong quyết định bổ nhiệm làm phó xứ. Do đó, cha đã dấn thân hoạt động không ngừng. Sau hội USCC cha thấy có thể làm và giúp được gì cho nhu cầu và cuộc sống mới của người tỵ nạn cha đã làm. Những vật dụng nhỏ bé, nhưng rất cần thiết cho buổi ban đầu như: ly, chén, bát, đũa, nồi, niêu, ấm nấu nước, gại, nước mắm, thịt, rau, bàn ghế, tem, thơ vv. Người sẵn sàng mang tới cho họ. Một lần kia người viết này đến cha có việc. Khi vào nhà qua câu chào hỏi, thưa truyện rồi vẫn không thấy chủ mời ngồi như thường lệ, kẻ hèn này rảo mắt nhìn quanh, thì ra trong nhà không có một chiếc ghế làm cảnh, hỏi ra mới biết, có một gia đình tỵ nạn vừa đến, người đã mang đến cho họ hết rồi, khâm phục và khâm phục. Kẻ hèn này thật cảm động cho tấm lòng vàng hiếm có của cha, ngày mai xin được chia xẻ và mua trả lại bộ bàn ghế người vừa cho đi. Hơn thế nữa, có nhiều gia đình đến, nhưng hội USCC chưa kịp thuê nhà hay xin trợ cấp, cha đã phải tạm thời cho gia đình tỵ nạn về nhà riêng của cha để ở, chờ khi nào hội thuê được nhà mới dọn ra, vì thế, hằng ngày người cũng rất bận rộn trong việc tìm kiếm nhà, thông dịch, chở người tỵ nạn đi làm thủ tục của một công dân mới, cũng như đi nhà thương khám bệnh, welfare và foodstamps v.v.
Cho đến nay, cha đã chính thức bảo trợ được khoảng trên 25 gia đình từ Việt Nam và ở trại qua. Cha cũng kêu gọi và cổ động nhiều người trong giáo xứ tiếp tay bảo trợ và giúp đỡ những người anh em chân ướt chân ráo vừa đến, để họ được an ủi và ấm lòng.
Đến nay số người tỵ nạn đã thưa thớt, cha lại trở về công việc giáo xứ nhiều hơn. Hiện nay giáo xứ đang có các lớp giáo lý thường xuyên cho người lớn và trẻ em, được hướng dẫn tại nhà thờ cũng như nhà riêng cha xứ. Cha cũng đã chỉ định một số ông bà, các anh chị trong ca đoàn cũng như các huynh trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể góp phần phụ trách trong việc giảng huấn này.
Đến tháng 1, 1997, Cha John Rebold về hưu, ĐTGM địa phận Santa Fe đã ký quyết định bổ nhiệm Cha Giuse Bùi Đức Phổ làm chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Lavang, Albuquerque, để tiếp tục con đường mở mang Nước Chúa và chăn dẫn đoàn con Việt trên đất lạ.
Một công trình của Chúa quan phòng cho đoàn dân Việt công giáo tại New Mexico! Không ai có thể phủ nhận được những thành công rực rỡ và chói sáng của xứ đạo, từ khi khởi sự cho đến ngày hôm nay. Giờ này hơn bao giờ hết, mọi người trong xứ đạo đã hiểu được ý nghĩa của sự cầu xin, tình anh em, sự đoàn kết và sự quyết tâm của chính mình đã vun bồi cho ngôi thánh đường mơ ước ngày mai trở thành sự thật. Chính vì thế, giáo xứ đã được Chúa chúc lành. Thật vậy, ngôi thánh đường Mẹ Lavang được hoàn tất đã như một phần thưởng quý giá, đúc kết bao lận đận và hy sinh, bao lo sợ và đau khổ của những năm tháng qua. Đó là một chứng tích cao đẹp của sự trưởng thành cho người Việt Công Giáo tại Albquerque ngày nay, và tương lai cũng không ngoài mục đích ý thức và trách nhiệm mở đầu hướng dẫn cho tuổi trẻ, cùng với kho tàng sẵn có để phát huy truyền thống công giáo Việt Nam cho con cháu.
Năm nay là đại năm thánh 2000, kỷ niệm 200 năm Mẹ hiện ra tại Lavang, quan thầy giáo xứ Việt Nam tại Albuquerque, đánh dấu sự trưởng thành và lớn lên của giáo xứ. Nhìn lại tuổi đời của xứ đạo, chốc thoáng đã 15 năm. Mới ngày nào, chúng ta còn như đàn chim lạc vỡ tổ lìa đàn, tung bay từ các nẻo chân trời đến. Đàn chim ấy sinh ra trong truyền thống anh hùng, nên dù ở đâu cũng vẫn chung một chiếc nôi văn hóa, và đó là lòng mẹ Việt vốn bao la như biển Thái Bình, hôm nay đã được thể hiện qua ngôi nhà thờ nhỏ bé thân yêu Mẹ Lavang, lúc nào cũng chan hòa ánh sáng tin yêu, thắm đậm tình người. Mặc dù biết bao biến đổi và thăng trầm, cùng với dòng thời gian trôi chảy, hòa theo những vinh quang và sóng gió… Giáo xứ Lavang có trong đó, Mẹ mang đến cho chúng ta sự an bình và một niềm tin bất diệt.
Lạy Mẹ, chúng con ước mong Lavang với danh hiệu Mẹ sẽ không là riêng của ai, nhưng là của chung tất cả những ai muống nhận Giáo Xứ Lavang là giáo xứ của mình, vì giáo xứ Lavang là giáo xứ không ranh giới.
Nguyễn Huy Thuần